Tồn kho hàng nghìn tỷ đồng
Theo thống kê từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2012, toàn ngành Xi măng có công suất thiết kế khoảng 72 triệu tấn/năm, năng lực khai thác dự kiến đạt 64 - 65 triệu tấn/năm, trong đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ đạt khoảng 47 - 48 triệu tấn/năm, phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn/năm. Như vậy, sẽ có khoảng 10 triệu tấn công suất sẽ dư thừa. Đó là chưa kể, theo kế hoạch, năm 2013 sẽ có thêm 6 nhà máy xi măng chính thức đi vào hoạt động, với tổng công suất 6,72 triệu tấn/năm.
Ngành thép cũng trong tình cảnh này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, kế hoạch hoạt động của toàn ngành Thép trong năm 2012 là tăng sản xuất từ 3 - 4%. Tuy nhiên, trên thực thế, hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành đang âm khoảng 10%, đưa lượng thép tồn kho lên 300 nghìn tấn. Đặc biệt trong quý III vừa qua, lượng thép tiêu thụ rất thấp so với trung bình.
Bên cạnh đó, ngành gốm sứ xây dựng bình quân từ đầu năm đến nay mới chỉ khai thác được khoảng 70% công suất. Ngành VLXD không nung cũng chỉ tiêu thụ được 60 - 80% sản lượng, một số DN đã phải tạm dừng sản xuất. Ngành sản xuất thủy tinh xây dựng cũng gặp vấn đề lớn khi 4 nhà máy kính nổi sản xuất khoảng 273 nghìn tấn nhưng chỉ tiêu thụ được 191 nghìn tấn. Khoảng 50% DN sản xuất đá ốp lát cũng đối diện với việc sản xuất, đóng cửa và chờ đợi và hàng vạn lao động sẽ mất việc làm.
Lý giải nguyên nhân khiến các DN VLXD lâm vào bế tắc, TS Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam cho rằng, sự khó khăn chung của nền kinh tế cùng chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ như cắt giảm đầu tư công, nhiều dự án BĐS tạm dừng hoặc giãn tiến độ, nhiều công trình xây dựng ngừng triển khai do thiếu vốn… đã khiến nhu cầu tiêu thụ VLXD sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, giá cả nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, giá than bán cho xi măng đã tăng 2,86 lần so với năm 2008, giá điện tăng 1,45 lần so với năm 2009, lãi suất ngân hàng dù giảm song vẫn ở mức cao, nhiều DN vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn…
Ngoài những lý do thuộc về thị trường nội địa, vấn đề cạnh tranh với hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân khiến thị trường trong nước tiếp tục sụt giảm.
Tăng cường giải pháp gỡ khó cho thị trường
Cuối tháng 8 qua, Bộ Xây dựng đã làm việc với các hiệp hội, DN sản xuất VLXD để tìm giải pháp vực dậy thị trường. Theo đó, ý kiến đề xuất của các hiệp hội và DN đều cho rằng, đầu ra các ngành VLXD phụ thuộc thị trường BĐS, xây dựng, các đầu tư công… do đó, việc Nhà nước nên tiếp tục có thêm chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này là vô cùng cần thiết.
Cùng với đó là sự nỗ lực vượt khó của chính sách các DN. Theo ông Phạm Chí Cường, bản thân các DN thép đều đã điều chỉnh và đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp hơn, tránh hiện tượng sản xuất dư thừa, gây sức ép lớn làm hại cho các DN. Phía Hiệp hội Xi măng cũng cho biết, các DN xi măng tiếp tục tìm giải pháp kích cầu tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho, tiết kiệm tối đa mọi chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm, phấn đấu đạt gần sát mức sản xuất tiêu thụ và xuất khẩu năm 2011.
Ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho các DN, Chính phủ cần có chính sách kích cầu tích cực, công trình xây dựng phải sử dụng VLXD trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu. Đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng bằng bê tông xi măng, vừa kích cầu tiêu thụ xi măng vừa giảm nhập siêu do nhập khẩu nhựa đường làm bê tông, vừa bảo đảm công trình bền vững. Đồng thời, kích cầu đầu ra bằng cách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% trong một thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, hướng vào thị trường bên ngoài, gắn với xúc tiến thương mại và đầu tư. Đặc biệt, cần chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, bị nước ngoài ép giá, gây thiệt hại lớn cho đất nước. Với hàng loạt các chính sách trên, các DN đều kỳ vọng sự tăng trưởng trở lại của thị trường VLXD là hoàn toàn có cơ sở.
KS Trần Mạnh Cường
Đại học Xây dựng Miền Trung.