Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, cùng với việc phân tích làm rõ nguyên nhân và nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng những vấn đề tồn đọng, các đại biểu cũng đã tập trung đưa ra nhiều nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Nhìn chung các đại biểu đã thể hiện sự tán thành với những nội dung trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Nhiều ý kiến đã phân tích, đánh giá, bổ sung trên nhiều khía cạnh khác nhau về những kết quả đã đạt được, những tồn tại yếu kém của tình hình kinh tế - xã hội và đề xuất, kiến nghị rất nhiều giải pháp cụ thể về chính sách, về công tác quản lý điều hành cho những tháng còn lại cuối năm 2012, và cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
Qua thảo luận, đa số đại biểu quốc hội nhất trí với nhận định đánh giá tình hình năm 2012 như: Trong bối cảnh kinh tế thế giới có rất nhiều khó khăn so với dự báo, Chính phủ đã triển khai, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đạt được những kết quả và có sự chuyển biến nhất định. Lạm phát đã được kìm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,2%. Tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng cũng là bước hợp lý trong điều kiện hết sức khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội tỏ ra rất quan tâm lo lắng trước những khó khăn, thách thức và những yếu kém của nền kinh tế của đất nước. Đó là: doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn; hàng tồn kho lớn trong khi hàng hóa nhập lậu vẫn còn nhiều; doanh nghiệp khó vay vốn tín dụng ngân hàng; nợ xấu ngân hàng cao vẫn chưa giải quyết được; thị trường BĐS chưa phục hồi; tái cơ cấu kinh tế chỉ mới ở bước đầu… Một số vấn đề xã hội như: việc làm; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa có chuyển biến căn bản; hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém…
Các đại biểu quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tập trung điều hành những công việc còn lại từ nay đến cuối năm. Các biện pháp khắc phục nhanh, tháo gỡ những khó khăn ách tắc của nền kinh tế như: khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất; bảo đảm an ninh, an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đa số đại biểu quốc hội tán thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 như báo cáo của Chính phủ đã nêu. Các đại biểu cho rằng, năm 2013 còn rất nhiều khó khăn, do đó việc tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cao hơn năm 2012 và lạm phát thấp hơn là hợp lý. Đồng thời phải đẩy mạnh thực hiện 3 biện pháp. Đó là đột phá về thể chế, về phát triển nguồn nhân lực, về phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước.
Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội đánh giá cao sự tiếp thu bước đầu của Chính phủ trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội để phân tích sâu sắc, đánh giá sâu sắc thêm những nguyên nhân của hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; những yếu kém tồn tại và đề ra các giải pháp phù hợp, đúng và trúng nhằm giải quyết nhanh thực trạng khó khăn của nền kinh tế và những vấn đề bức xúc của xã hội.
Cũng trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có bài phát biểu về “Những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và xử lý tồn kho vật liệu xây dựng”.(*)